Đức Thế tôn ra đời – Sự kiện hi hữu của thế gian

Cách đây 2645 năm, Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất thị hiện giáng trần qua hiện tướng của Thái tử Tất Đạt Đa con Đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya.

Năm 29 tuổi, Thái tử xuất gia, 35 tuổi thành đạo có tôn hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sau 45 năm giáo hóa độ sinh, vào năm 80 tuổi Ngài vào vô dư Niết bàn.

Sự hiện hữu của Đức Thế Tôn trên đời đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản hướng đến sự tự do, bình đẳng và từ bi đích thực cho con người và muôn loài. Đây được xem là sự kiện hi hữu của thế gian mà kinh điển ghi nhận là “Một vị thánh xuất hiện ở đời, vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” (Tăng Chi I, chương 1, phẩm Một người).

tuong-phat-dan-sanh-bang-da-3

Hi hữu với sự từ bỏ vĩ đại

Là một hoàng thái tử ở trên ngôi cao địa vị, ở trong cung vàng điện ngọc với cung phi mỹ nữ bao quanh vậy mà Ngài từ khước mọi quyền lực, danh vọng, hạnh phúc thế gian, từ giã mẹ cha, cáo biệt vương triều đi thẳng vào rừng để tìm đạo mong độ mình, cứu đời. Danh vọng, địa vị, quyền lực, tài sản, hạnh phúc gia đình … là những thứ mà thế gian khát khao tìm cầu, lịch sử nhân loại đã chứng minh bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu sự giành giật gây chết chóc, tang thương cũng không có gì ngoài những thứ tham này. Ấy vậy mà Ngài đã rũ bỏ một cách nhẹ nhàng như bụi trần vướng áo, như gió qua cành khô. Một sự từ bỏ vĩ đại mà mấy ai thực hiện được!

Hi hữu với tâm bình đẳng

Xã hội Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ, con người được phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt. Nhưng Đức Thế tôn thì thiết lập một lối sống mới, lối sống đặt trên nền tảng bình đẳng giữa con người với con người, bình đẳng giữa nam và nữ, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn. Nhân phẩm con người không nằm ở sắc tộc, màu da, tư tưởng, tướng nam hay tướng nữ, nó nằm ở nhân cách đạo đức và lối sống thiện lành. Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakassapa) là giáo chủ của một tôn giáo thờ lửa, Vô Não (Angulimala) là tên sát nhân, Ưu Ba Ly (Upali) là người gánh phân, Ambapālī vốn là một kỹ nữ danh tiếng, Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) là một tỷ phú, Kỳ Bà (Jīvaka) là lương y tài danh… Dẫu mỗi người với thành phần địa vị, xã hội khác nhau nhưng khi đã dự vào hội chúng của Đức Thế Tôn thì như nước trăm sông đổ vào biển cả, nước hòa làm một, không giữ tên tuổi của từng dòng sông. “Này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có”. (Tiểu bộ kinh 1, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Bốn – Phẩm Meghiya)

Ý nghĩa biểu tượng của ngày Đức Phật đản sinh

Hướng về Đại lễ Vesak PL. 2565 với ba sự kiện lớn kỷ niệm Đức Thế Tôn đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, ôn lại vài dấu son trong cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài để nhắc nhở chúng ta rằng, tuệ giác sáng ngời của bậc Đạo sư vẫn còn đó cho chúng ta. Mỗi người hãy thực tập giáo pháp và đem giáo pháp vào đời, giúp cuộc đời chuyển hoá đem lại hạnh phúc an lạc và lợi ích cho chư thiên và loài người mà Đức Thế Tôn hằng nhắc nhở chúng ta.

Đại lễ Phật đản năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (1981 -2021). Đây là sự kiện trọng đại của nền Phật giáo có hơn hai nghìn năm lịch sử, là sự kết tinh của quá trình tu tập, hành đạo của 09 Giáo hội, Hệ phái Phật giáo kết thành. Có thể nói, đây là cuộc thống nhất Phật giáo kỳ vĩ ngang tầm với kỳ thống nhất dưới triều Trần, do chính Sơ tổ Trúc Lâm hợp nhất ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành một Giáo hội duy nhất. Vì thế, mỗi Tăng Ni, Phật tử chúng ta hãy không ngừng nghỉ việc đem Đạo Từ bi toả sáng khắp muôn nơi như huấn thị của Thế Tôn: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ 1), như một việc làm có ý nghĩa để dâng lên Ngài như lời tri ân trong mùa Đản sinh này.

 

Xem thêm:

Tượng Đạt Ma Sư Tổ và những hình tượng

Công hạnh của Bồ tát Địa Tạng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
Chat Facebook
Gọi điện ngay